Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

7 cách giúp bạn rèn luyện tu duy sáng tạo

Nhiều người cho rằng tư duy sáng tạo chỉ cần thiết với những người đang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, marketing hay nghệ thuật. Thật vậy, khả năng sáng tạo có thể giúp bạn phát triển và thành công trong bất kỳ ngành nghề. Hãy hình dung một kỹ sư cơ khí nếu có khả năng sáng tạo, anh ấy có thể phát minh ra nhiều thiết bị và máy móc khác nhau. Một người bán hàng sáng tạo sẽ luôn tràn ngập ý tưởng để tiếp cận khách hàng. Hay một người giáo viên sáng tạo sẽ không bao giờ thiếu những phương pháp hay để truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả nhất.
Bạn có muốn trở thành một người tư duy sáng tạo? Không phải như nhiều người vẫn nghĩ rằng sáng tạo thuộc về bản năng của con người, bạn có thể rèn luyện và phát triển khả năng tư duy sáng tạo. Theo kinh nghiệm của chuyên gia sáng tạo Jason Surfrapp (nhà sáng lập mạng xã hội kết nối những người làm việc trong ngành quảng cáo IWearYourShirt.com), 6 bài tập sau có thể giúp bạn.
1. Đọc nhiều nội dung và nhiều chủ đề khác nhau
Để cập nhật kiến thức, thông thường chúng ta chỉ nghiên cứu về những chủ đề liên quan đến công việc của mình. Thay vào đó, hãy bắt đầu tham khảo những cuốn sách mà thông thường bạn sẽ không “tiêu hóa” được. Những ý tưởng mới có thể xuất phát từ những điều tưởng chừng không liên quan. Ngoài ra, nếu có thể hãy ăn trưa với một người lạ. Trò chuyện với một người không quen biết về những điều mới lạ sẽ giúp bạn hiểu được vấn đề từ nhiều hướng khác nhau.
2. Viết 500 từ về bất kỳ chủ đề
Đây là một bài tập thú vị mà bạn có thể luyện tập khi không thể tập trung vào một vấn đề nào đó. Hãy mở một word document mới và bắt đầu đánh máy. Không cần chủ đề, không cần câu dẫn nhập, không cần chỉnh sửa và quan trọng nhất là không tự phê bình. Hãy để những ngón tay “nhảy múa” trên bàn phím máy tính và bộ não quyết định “câu chuyện” của bạn tiếp tục như thế nào. “Thường thì tôi sẽ kết thúc với một “sản phẩm” chẳng ra sao nhưng bài tập này giúp tôi có thêm năng lượng sáng tạo” – theo Jason Surfrapp.
3. Không phải ở nhà, hãy đến rạp chiếu phim
Thưởng thức bộ phim yêu thích trên màn hình lớn, âm thanh sống động và mùi bắp rang thơm lừng luôn là một trải nghiệm tuyệt vời. Không chỉ giúp thư giãn sau một ngày làm việc, xem phim có tác dụng kích thích sự sáng tạo của người xem, nhất là những bộ phim khoa học viễn tưởng. Bộ não sẽ thu nhận những tình tiết và hình ảnh từ bộ phim và những suy nghĩ và ý tưởng luôn dễ dàng đến hơn bạn mỗi khi rời khỏi rạp chiếu phim. Tuy nhiên, đừng bao giờ đi xem phim một mình mà hãy rủ thêm đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội tốt để tăng sự kết nối nơi công sở.
4. Trò chuyện với một người bạn không quen trên điện thoại 
Bạn sẽ ghi nhận được những kiến thức mới. Bạn rèn luyện cách nói chuyện với người lạ. Lắng nghe câu chuyện từ một người mà bạn không quen biết có thể giúp bạn nhìn nhận một điều từ các quan điểm khác nhau. Điều này giúp bạn mở rộng tư duy theo nhiều hướng mà có thể hoàn toàn trái hẳn với suy nghĩ của bạn. 
5. Ăn uống bổ dưỡng 
Có một số nghiên cứu về việc cách chúng ta ăn uống ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ. Nếu bạn muốn suy nghĩ một cách khác biệt, hãy bắt đầu cung cấp năng lượng mới cho cơ thể. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết con người có thể tư duy sáng tạo hơn khi hấp thụ những thức ăn bổ dưỡng hơn.
6. Luyện bài tập “hại não” 
Rủ thêm ít nhất một người bạn/đồng nghiệp để tham gia một buổi brainstorm trong khoảng 50-60 phút. Trước đó hãy cùng hội ý để có một chủ đề hoặc vấn đề nào đó mà bạn muốn thảo luận và bắt đầu suy nghĩ để tìm ra giải pháp, để có những ý tưởng về sản phẩm mới, hãy những cải tiến mới…. Viết tất cả những ý tưởng ra giấy và khoan hãy tự phê bình chúng. Kết thúc bài tập, bạn có thể sẽ có một danh sách 100 ý tưởng điên khùng nhất nhưng chắc chắn rằng ít nhất một hoặc hai trong đó là những ý tưởng rất tuyệt vời. Quan trọng nhất, bạn càng thực hành nhiều, bạn càng thành thạo chúng. 
Không cần phải là người sáng tạo để có thể tư duy khác biệt. Bạn chỉ cần thực hiện những hành động giúp kích thích khả năng sáng tạo. Ngay cả những người sáng tạo nhất cũng cần nguồn cảm hứng để khơi nguồn trí sáng tạo.

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Hướng dẫn giao dịch Margin

Giao dịch ký quỹ là gì?
Giao dịch mua ký quỹ chứng khoán (margin) là giao dịch mua chứng khoán của khách hàng có sử dụng tiền vay của CTCK. Để đặt lệnh mua chứng khoán ký quỹ, khách hàng phải ký quỹ một khoản tiền nhất định theo tỷ lệ CTCK quy định. Khách hàng sử dụng chứng khoán có trên tài khoản để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ cho CTCK.
Ví dụ: Nếu bạn có 50 triệu đồng và mua chứng khoán thông thường bạn chỉ có thể mua tối đa 50 triệu nhưng nếu bạn mua ký quỹ thì bạn có thể mua nhiều hơn 50 triệu (ví dụ 70 triệu). Phần tiền thiếu sẽ được CTCK cho bạn vay (ở ví dụ này bạn vay: 70-50 = 20 triệu đồng). Khoản vay của bạn sẽ được đảm bảo bằng chính chứng khoán bạn đã đặt mua.
Bạn cần làm gì để có thể giao dịch ký quỹ?
Để sử dụng sản phẩm giao dịch ký quỹ, Bạn chỉ cần đến CTCK ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán ký quỹ, sau đó bạn có thể đặt lệnh mua chứng khoán ký quỹ như đặt lệnh thông thường thông qua tất cả các kênh đặt lệnh của CTCK như: tại quầy, qua điện thoại, qua internet.
CTCK quản lý tài khoản giao dịch ký quỹ của bạn tách rời với tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường.
Những chứng khoán nào được phép giao dịch ký quỹ?
Có một lưu ý là CTCK không cho vay ký quỹ với tất cả các chứng khoán, bạn có thể cập nhật thường xuyên danh mục cho vay ký quỹ và tỷ lệ ký quỹ yêu cầu tại website http://www.CTCK.com.vn hoặc ngay trên phần mềm đặt lệnh của CTCK. Bạn cũng yên tâm rằng mỗi khi thay đổi danh mục chứng khoán được phép ký quỹ, CTCK sẽ gửi email cho bạn.
Bạn được vay ký quỹ trong bao lâu?
Thời hạn khoản vay là 03 tháng kể từ ngày phát vay. Khoản vay có thể gia hạn 1 lần với thời gian gia hạn tối đa là 03 tháng. Như vậy, thời hạn bạn có thể vay tối đa là 06 tháng.
Bạn có thể trả nợ trước hạn nếu muốn. Phần mềm của CTCK sẽ tự động thu nợ một phần hay toàn bộ khoản vay nếu cuối ngày giao dịch tài khoản của bạn có dư tiền chưa dùng tới. Việc này nhằm giảm thiểu tối đa số tiền lãi vay bạn phải trả.
Bạn có thể bán ngay chứng khoán đã cầm cố để trả nợ cho khoản vay. Phần mềm của CTCK cũng sẽ thu nợ tự động khi bạn đặt lệnh bán chứng khoán đã cầm cố.
Bạn phải ký quỹ bao nhiêu tiền để đặt lệnh mua chứng khoán?
CTCK quy định tỷ lệ kỹ quỹ đối với từng loại chứng khoán đặt mua. Tỷ lệ thông dụng thường được áp dụng là 50% tổng giá trị giao dịch.
Tài sản ký quỹ không nhất thiết phải là tiền mặt. Bạn có thể sử dụng ngay chứng khoán hiện có để làm tài sản ký quỹ nếu chứng khoán này chưa được đảm bảo cho một khoản vay nào tại CTCK hoặc nghĩa vụ trả nợ nào khác của bạn.
Margin Call là gì?
Margin Call là thông báo của CTCK gửi khách hàng đề nghị khách hàng nộp thêm tiền khi chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay bị giảm giá tới một giới hạn nhất định.
CTCK quy định tỷ lệ margin call đối với từng loại chứng khoán. Tỷ lệ thông dụng thường được áp dụng là 30%. Điều này có nghĩa là nếu chứng khoán giảm giá làm cho số tiền ký quỹ giảm xuống nhỏ hơn 30% tổng giá trị chứng khoán, CTCK sẽ yêu cầu bạn nộp thêm tiền để nâng tỷ lệ ký quỹ lên trên 30%.
Ví dụ: Một loại chứng khoán được CTCK quy định tỷ lệ kỹ quỹ là 55%, tỷ lệ margin call là 30%. Bạn có 60 triệu đồng và đặt lệnh mua chứng khoán này với tổng giá trị là 100 triệu đồng. Số tiền bạn vay CTCK để thực hiện giao dịch sẽ là 40 triệu đồng. Tỷ lệ ký quỹ thực tế của giao dịch bằng 60/100 = 60%.
Giả sử chứng khoán bạn mua bị giảm giá 50%, tổng giá trị chứng khoán còn lại bằng 50% x 100 triệu = 50 triệu đồng. Tiền của bạn do đó bị giảm xuống và bằng 50tr – 40tr = 10 triệu đồng. Tỷ lệ ký quỹ thực tế lúc này bằng 10/50 = 20%.
Trong trường hợp này, CTCK sẽ yêu cầu bạn nộp thêm tối thiểu 5 triệu đồng để nâng tỷ lệ kỹ quỹ thực tế lên mức bằng 15/50 = 30%.

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Tỷ phú bày cách mua nhà, tậu xe trong 5 năm

Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng), hãy chia số tiền này làm 5 phần - chi tiêu hàng ngày, kết giao bạn bè, học tập, du lịch và đầu tư.
Ông trùm bất động sản Li Ka-Shing (Hong Kong, Trung Quốc) hiện là tỷ phú giàu nhất châu Á với số tài sản 29,1 tỷ USD, theo Bloomberg. Xuất thân là trẻ mồ côi, ông đã tự mày mò kinh doanh để nắm trong tay hai đế chế - Cheung Kong và Hutchison Whampoa, đồng thời tham gia nhiều lĩnh vực từ cảng biển, dầu khí, đến bán lẻ, truyền thông đến bất động sản.
Mới đây, website khởi nghiệp e27 đăng tải bài viết của Li Ka-Shing, trong đó chia sẻ bí quyết cải thiện cuộc sống trong 5 năm.
Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng), hãy chia số tiền này làm 5 phần. 
Khoản đầu tiên - 600 NDT - dùng để chi trả cuộc sống hàng ngày. Nếu muốn sống đơn giản, bạn chỉ có thể tiêu dưới 20 NDT mỗi ngày. Hãy ăn mì (hoặc bún, miến), một quả trứng và một cốc sữa vào buổi sáng. Trưa thì ăn snack với hoa quả thôi. Còn tối hãy tự nấu tại nhà, rồi uống sữa trước khi đi ngủ. Chi phí ăn uống cả tháng của bạn sẽ chỉ tốn khoảng 500-600 NDT. Khi còn trẻ, cơ thể của bạn sẽ không có quá nhiều vấn đề nếu sống thế này vài năm.
Khoản thứ hai - 400 NDT - để kết giao bạn bè, mở rộng các mối quan hệ. Việc này rất có lợi cho bạn. Tiền điện thoại có thể mất khoảng 100 NDT mỗi tháng. Bên cạnh đó, bạn có thể đãi bạn bè 2 bữa một tháng, hết khoảng 300 NDT. Hãy chọn những người hiểu biết, giàu hơn bạn hoặc có thể giúp bạn trong công việc. Sau một năm, các mối quan hệ này sẽ mang lại những giá trị rất to lớn cho bạn. Danh tiếng, tầm ảnh hưởng và giá trị gia tăng của bạn sẽ được công nhận.
Khoản thứ ba - 300 NDT - để học tập. Mỗi tháng, hãy dành ra 50-100 NDT để mua sách. Vì bạn không có nhiều tiền, hãy cố gắng nâng cao kiến thức. Khi mua sách, hãy đọc cẩn thận và rút ra những bài học và chiến lược trong đó. Sau khi đọc, hãy tự kể lại bằng ngôn ngữ của mình, sau đó chia sẻ với người khác để nâng cao uy tín và mối quan hệ. Bạn cũng nên dành 200 NDT mỗi tháng tham gia các khóa học để bồi dưỡng kiến thức và gặp gỡ những người cùng chí hướng.
Khoản thứ 4 - 200 NDT - tiết kiệm để đi du lịch nước ngoài. Hãy tự thưởng cho mình bằng các chuyến du lịch ít nhất mỗi năm một lần để nâng cao kinh nghiệm cuộc sống. Hãy ở những nhà trọ dành cho giới trẻ (youth hostel) để tiết kiệm chi phí. Trong vài năm, bạn có thể đến nhiều quốc gia, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Hãy dùng chúng để “sạc đầy” bản thân, giúp mình có động lực trong công việc.
Khoản cuối cùng - 500 NDT - dùng để đầu tư. Đầu tiên, cứ gửi ở ngân hàng và tích lũy dần dần, coi đó là vốn khởi nghiệp của bạn. Sau đó, bạn có thể mở công ty hay cửa hàng. Hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ cho an toàn, đến các hãng bán buôn và tìm kiếm thứ gì khả dĩ để bán. Vì kể cả nếu thua lỗ, bạn cũng không mất nhiều tiền. Còn ngược lại, khi bắt đầu kiếm được, bạn sẽ tự tin hơn và học được cả tá kinh nghiệm mới về kinh doanh. Khi đã kiếm kha khá, bạn có thể nghĩ đến các chiến lược đầu tư dài hạn để có bệ đỡ tài chính vững chắc cho bản thân và gia đình.
Sang năm thứ hai, nếu lương của bạn vẫn là 2.000 NDT, bạn nên cảm thấy xấu hổ vì vẫn chưa phát triển được bản thân. Còn nếu lên 3.000 NDT, bạn sẽ vẫn phải làm việc thật chăm chỉ. Hãy tìm một công việc làm thêm, tốt nhất là nhân viên kinh doanh.
Việc này tương đối khó, nhưng là cách nhanh nhất giúp bạn nắm được nghệ thuật bán hàng. Tất cả các doanh nhân thành đạt đều từng là nhân viên bán hàng xuất sắc. Đây cũng là cơ hội giúp bạn gặp được những người có giá trị với mình về sau. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được học cái gì nên và không nên bán. Hãy dùng sự nhạy bén về thị trường của mình làm nền tảng cho công ty tương lai.
Trong thời gian này, cố gắng mua ít quần áo và giày dép thôi. Bạn có thể thoải mái shopping khi đã giàu. Còn bây giờ, hãy tiết kiệm. Chỉ mua những món quà nho nhỏ cho những người bạn quan tâm và chia sẻ với họ về những kế hoạch, giấc mơ của bạn.
Hãy cố gắng làm thêm bất kỳ lúc nào có cơ hội. Việc này sẽ mài giũa ý chí và kỹ năng cho bạn, giúp bạn tiến gần mục tiêu tài chính. Đến năm thứ hai, thu nhập của bạn nên tăng lên ít nhất 5.000 NDT, tối thiểu cũng phải là 3.000 NDT. Nếu không, bạn sẽ chẳng theo kịp tốc độ lạm phát đâu.
Bất kể bạn kiếm được bao nhiêu tiền, hãy luôn nhớ chia chúng làm 5 phần. Hãy khiến bản thân mình trở nên có ích. Tăng cường đầu tư vào các mối quan hệ, kiến thức, kinh nghiệm sẽ giúp bạn cải thiện thu nhập. Khi đã có nhiều tiền, bạn sẽ lại cải thiện được chất lượng cuộc sống, có cơ hội kết bạn nhiều hơn, tham gia những khóa học chuyên sâu hơn và tiếp cận những dự án, cơ hội lớn hơn. Dần dần, bạn sẽ hiện thực hóa được giấc mơ mua nhà, ôtô và chuẩn bị tương lai tốt đẹp hơn cho con cái.
Cuộc sống, sự nghiệp và hạnh phúc hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn. Hãy lên kế hoạch ngay từ bây giờ. Khi bạn nghèo, hãy ở nhà ít thôi và ra ngoài nhiều hơn. Còn khi đã giàu rồi, hãy làm ngược lại. Khi bạn nghèo, hãy tiêu tiền cho người khác, còn giàu rồi thì hãy chi cho mình. Đây là nghệ thuật sống.
Bên cạnh đó, khi nghèo khó, hãy đối xử tốt với mọi người, đừng tính toán. Còn khi đã giàu rồi, hãy học cách để người khác đối tốt với bạn. Khi còn nghèo, hãy quăng mình ra ngoài và để người khác tận dụng bạn thật tốt. Nhưng khi giàu có, hãy bảo vệ mình, đừng để người khác lợi dụng. Đây là điều rất ít người hiểu được.
Có một lý thuyết nổi tiếng từ Harvard thế này: Số phận của mọi người được quyết định bởi việc anh ta làm gì khi rảnh rỗi, lúc 8h-10h tối. Hãy dùng khoảng thời gian này để học tập, suy nghĩ và tham gia vào các bài giảng hay buổi thảo luận có ích. Chỉ cần kiên trì vài năm, thành công sẽ tìm đến bạn.
Hà Thu

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Những nguyên nhân gây thất bại trong đầu tư

Năm nhân tố dưới đây là nguyên nhân quan trọng gây thất bại cho đầu tư, mọi người cần hết sức cảnh giác:
1. Tin tức sai lệch: Phải phân tích mối quan hệ giữa tình hình và xu thế xã hội với đầu tư, tuyệt đối không được chỉ xem xét bề ngoài nếu không sẽ chọn sách lược đầu tư sai lầm.
2. Quá tự tin: Đầu tư cần thận trọng từng bước, chắc chắn, cẩn thận. Quá tự tin, tự cao, tự đại thường dẫn tới thất bại.
3. Tâm lý của con cờ bạc: Người đầu tư có tâm lý của một con cờ bạc sẽ không bao giờ thành công, thậm chí còn có thể mất trắng.
4. Thiếu kế hoạch, không có nguyên tắc: “Leo cao, ngã đau” là câu cách ngôn đúng cả trong trường hợp đầu tư, chớ vì giá cả leo thang mà thay đổi kế hoạch, đầu tư theo kiểu gió chiều nào theo chiều đó là điều cấm kỵ.
5. Sợ hãi và tham lam: Đây là nhược điểm tâm lý cơ bản nhất của con người và chính nó làm cho nhiều nhà kinh doanh mắc sai lầm.
 (Như Thảo)

Những kỹ năng sinh tồn nhất thiết phải dạy con

Nguyên tắc là không được mở cửa cho bất cứ ai trừ bố mẹ nhưng nếu thấy có người có vẻ cố tình rình rập ở cửa để vào nhà thì trẻ nên bật TV thật lớn, gây tiếng ồn trong nhà để kẻ lạ mặt nghĩ trong nhà có người lớn.
1. Làm gì khi bị lạc?
- Dặn trẻ dừng ngay tại điểm mình bị lạc.
Lúc mình được 4 tuổi, bố hay dẫn mình đi ăn quà vặt, đi chơi vào mỗi sáng chủ nhật. Có lần, mình bị lạc ngay ở đoạn trước cổng chợ.
Người qua lại đông kinh khủng, mình hoàn toàn mất phương hướng vì mình bé tẹo, lọt thỏm giữa rừng người, nhưng mình nhớ lời ông dặn là khi bị lạc thì luôn đứng yên ở chỗ bị lạc, không được tự ý đi lang thang. Mình đang mếu máo thì ông quay ngược lại và tìm thấy mình. Điều này, mình đã nhắc lại với các con.
- Nếu tìm sự giúp đỡ thì đối tượng có thể tin tưởng là những người mặc đồng phục như cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên của địa điểm mình đang bị lạc (như siêu thị, khu vui chơi...).
Một lần, nhà mình chờ chuyển tiếp ở một sân bay, thời quan quá lâu nên việc để mắt liên tục đến chúng trở nên rất mệt mỏi, loáng một cái con biến mất khỏi tầm mắt. Hắn đã biết túm lấy một cô mặc đồng phục, nhân viên trong sân bay để được họ lên loa thông báo cho bố mẹ tới nhận.
- Mẹo vặt giúp con gây tiếng ồn khi bị lạc (trường hợp trẻ không có điện thoại).
Khi cho con đi chơi ở những khu vui chơi quá rộng, người đông, khó tìm được nhau, giống như Disney Land chẳng hạn, bố mẹ nên bỏ vào túi con một chiếc còi đồ chơi để chúng có thể thổi khi lạc bố mẹ hoặc rơi vào tình huống bị làm cho sợ hãi.
2. Dạy chúng cách xem bản đồ.
3. Dạy chúng bơi.
4. Dạy chúng cách sơ cứu như rửa vết thương, khử trùng vết thương, dán băng y tế đơn giản...
5. Ở nhà một mình.
6. Khi bố mẹ gặp sự cố như bất tỉnh, tai nạn.
Ở tủ lạnh, mình luôn treo một list số điện thoại quan trọng như xe cấp cứu, cứu hỏa, cảnh sát... Dạy trẻ cách gọi điện tới số gọi cấp cứu khi cần, nếu dùng điện thoại di động thì để loa để vừa nói được, vừa có thể giúp đỡ bố/mẹ, người đang ở trong trạng thái bị thương chẳng hạn.
7. Xác định thực phẩm nào ăn được trong trường hợp cần sống sót.
Không phải đi đâu xa, thiết thực nhất là ngay tại trong nhà, nhiều trẻ ở thành phố hoàn toàn lúng túng khi bị đói lúc chỉ có một mình.
Trước đây có trường hợp một bé tuổi mẫu giáo đã sống sót khi bị bỏ quên trong nhà nhiều ngày nhờ biết tự mở tủ lạnh, lôi tất cả những thứ có thể ăn được như trứng sống ra ăn.
Trẻ em ở phố hầu hết ít để ý tới điều này. Thậm chí, tụi trẻ như con mình, sinh ra ở Thụy Sĩ, từ bé tới giờ chỉ uống nước chai Evian, còn không có thói quen uống nước ở vòi hay đun nước máy sôi lên để uống.
Vì thế, rất thường xuyên mình phải nhắc chúng đừng quên là nếu có lúc nào nhà hết nước chai. Các con phải biết là nước vòi dùng được hoặc tìm kiếm ở những nguồn khác trong trường hợp đặc biệt, như mở ấm nước điện vẫn đang còn nước, dùng đá trong tủ lạnh làm tan chảy, để ý các loại đồ ăn khô có thể ăn được có trong các hộc tủ, đồ ăn sống trong tủ lạnh...
Dạy chúng xác định thực phẩm trông như thế nào là đã hỏng, mốc, không còn có thể ăn được (trong sinh hoạt hàng ngày).
Nếu ai sống ở môi trường có đất đai, gần thiên nhiên thì dạy con cách nhận diện, xác định nguồn thực phẩm từ cây quả, thảo dược.
8. Dạy chúng về các thao tác thoát hiểm như khi có hỏa hoạn, có động đất, trong trường hợp nguy cập nhất, phải lánh nạn thì cố gắng nhặt theo thứ cần kíp nhất, như điện thoại, chai nước (đồ ăn, đèn pin, nếu có thể), vật dụng nào gây tiếng ồn như còi (đồ chơi bình thường bố mẹ vẫn rất ghét ý lại rất có ích trong nhiều trường hợp đấy nhé).
9. Dạy chúng cách đi đường một mình an toàn
Tụi trẻ nhà mình bắt đầu tự đi học bằng các phương tiện công cộng hoặc tự đi lại trong thành phố bằng taxi từ lớp 3.
Vì thế, dặn chúng nhận diện phương tiện như biển số xe, tên công ty xe, những tòa nhà hay biển hiệu quan trong trên con đường lạ chúng đi qua là rất cần thiết, ngoài ra, chúng cần mang theo điện thoại và đảm bảo là không được chơi games đến vạch pin cuối cùng.
Khi về Việt Nam, mình dặn chúng ở trường hợp bị lạc mà không có điện thoại trên người, không vội vàng túm lấy người lạ để xin giúp đỡ, nên bình tĩnh quan sát và đi vào một nhà hàng, cửa hiệu nào nhìn đàng hoàng, có vẻ tin cậy được nhất, ngồi đó và gọi nhờ điện thoại ở lễ tân cho người nhà.
Đối với trẻ nhỏ tuổi như chúng, dạy tự vệ không quan trọng bằng việc phòng tránh mối nguy hiểm, vì chúng quá nhỏ, nếu gặp kẻ gian là người lớn thì chúng khó mà chống cự được, vì vậy cần :
- Dặn con cố gắng tránh đi vào toilet ở nơi công cộng một mình, nếu có bạn đi cùng thì cũng không la cà lâu ở bên trong. Nếu có anh, chị, em thì luôn đi với nhau, trông chừng nhau ở những nơi thế này.
- Dạy trẻ không nhận bất cứ món đồ ăn nào từ người lạ, không nói chuyện. Ở trường, ngoài giáo viên ra, con không được tiếp nhận và tin vào bất cứ một thông tin gì khác lạ so với thường ngày mà không tự miệng bố mẹ dặn dò.
- Trường hợp bỗng bị kẻ nào lôi đi mà không thể bỏ chạy được vì bị túm giữ thì kháng cự bằng cách đu chặt lấy chân kẻ gian, cố gắng nằm xoài ra đất, dùng sức nặng của cơ thể mình víu xuống và kêu gào hết sức có thể, để cản trở việc kẻ gian di chuyển (như lôi vào xe).
10. Nếu có điều kiện thì tiếp đến, mới dạy chúng những kỹ năng khác, ít khẩn cấp hơn như nhóm lửa, cách làm chín thực phẩm một cách đơn giản.
Con cần biết mở nắp hộp đồ ăn (ở nước ngoài), cách dùng tấm khăn, vải để lọc nước bẩn và đun chín ở trường hợp bị khát ở nơi không có nước sạch, cách dựng lều hoặc che phủ kín toàn thân để ngủ mà không bị muỗi...
Bố mẹ cũng có rất nhiều điều phải học để bảo vệ con mình trước khi dạy con mình những kỹ năng sống sót cần thiết đấy.
Một ví dụ nhỏ thế này. Mình nhớ đã từng xem phóng sự về một vụ trẻ con bị bắt cóc ở một khu vui chơi. Kẻ bắt cóc đã nhanh tay thay đồ cho đứa trẻ.
Nhân viên an ninh của khu vui chơi đã được huấn luyện cho những công việc này nên họ đã chặn tất cả các cửa và dặn cha mẹ đứa trẻ là phải chú ý tới đôi giầy của mỗi đứa trẻ để nhận diện con chứ đừng nhìn lướt qua quần áo, vì kẻ bắt cóc thường chỉ kịp thay quần áo chứ ít chú ý tới giầy dép. Thật là một kinh nghiệm hữu ích.
Trích từ nguồn Internet